Trong những năm gần đây mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn, ruộng lúa, ao đầm đang được phát triển mạnh ở nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Mô hình nuôi tôm càng xanh đã mang đến nhiều lợi ích đáng kể về kinh tế cho bà con nông dân. Mô hình nuôi được phát triển nhanh chóng đã kéo theo nguy cơ dịch bệnh trên đối tượng cũng sẽ lây lan nhanh. Một trong những bệnh nguy hiểm gây chết tôm nuôi là bệnh đục cơ. Bệnh xảy ra trên tôm ấu trùng và tôm nuôi thương phẩm.
Dấu hiệu bệnh nổi bật nhất của bệnh đục cơ là trên phần đuôi tôm xuất hiện màu trắng đục. Bệnh xảy ra gây chết trên ấu trùng từ 30-100% trong thời gian ngắn. Bệnh này cũng gây thiệt hại lớn cho tôm nuôi thương phẩm từ 70-80% khi phát hiện bệnh. Một trong những tác nhân gây bệnh đục cơ là do virus: MrNV (Macrobrachium Rosenbergii Noda) và IMNV (Infectiuos Myonecrosis) đây là một bệnh nguy hiểm trên tôm càng xanh bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị. Để hạn chế rủi ro cho người nuôi chỉ có biện pháp duy nhất là loại trừ đàn tôm giống có mang mầm bệnh.
Hiện nay tại một số phòng xét nghiệm đặc biệt là Phòng xét nghiệm Môi trường và Bệnh thủy sản tại Phân Viện Nghiên Cứu Thủy Sản Nam Sông Hậu, bằng kỹ thuật sinh học phân tử có thể phát hiện sớm virus IMNV và MrNV gây bệnh đục cơ trên tôm bằng kỹ thuật sinh học phân tử Realtime PCR. Phương pháp cho kết quả nhanh chóng và độ chính xác cao. Giúp cho người nuôi có thể chọn được đàn tôm chất lượng như ý để thả nuôi.