Quy trình kỹ thuật nuôi tôm QCCT, nuôi tôm cua kết hợp, nuôi cua ở Mũi Ông Lục, tỉnh Cà Mau

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm QCCT, nuôi tôm cua kết hợp, nuôi cua ở Mũi Ông Lục, tỉnh Cà Mau.

Một số thông tin tóm tắt

Nghiên cứu thực hiện ở Mũi Ông Lục (ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước) từ tháng 10 năm 2008 đến tháng 5 năm 2010. Một số kết quả chính như sau:
  1. Năng suất thu hoạch tôm sú dao động trong phạm vi từ 10 – 250 kg/ha/năm, trung bình 83,09 ± 45,76 kg/ha/năm; Một số hộ đã bắt đầu thả bổ sung cua biển nuôi ghép với tôm sú trong các đầm nuôi QCCT, năng suất cua trung bình là 32,15 ± 16,91 kg/ha/năm. Thu nhập trung bình là 7,75 ± 3,41 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận trung bình là 3,7 ± 2,2 triệu đồng/ha/năm.
  2. Về học vấn có 80% hộ điều tra có trình độ văn hóa cấp 1, số còn lại là cấp 2 không có các trình độ khác. Đây là một trong những yếu tố hạn chế làm kìm hãm phát triển sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khu vực này.
  3. Đất ở khu vực Mũi Ông Lục bị nhiễm mặn ở mức trung bình (4 < EC < 15mS/cm), đất bị SODIC hóa nặng (ESP >15%), vẫn nằm trong giới hạn có thể rửa mặn để canh tác lúa (SAR<12).
  4. Về chất lượng nước, có nhiều chỉ tiêu phù hợp với QCVN 08: 2008/BTNMT về chất lượng nước mặt cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần lưu ý một số chỉ tiêu chất lượng nước chưa đáp ứng cho nhu cầu nuôi thủy sản như Fe2+ cao (do hiện diện tầng phèn tiềm tàng 40 – 90 cm), các chất gây độc cho nuôi trồng thủy sản như H2S và Nitrit (NO2-N) có hàm lượng cao hơn mức QCVN 08: 2008/BTNMT cho phép ở các vùng nước NTTS.  
  5. Các tính chất hóa học của nước trên kênh Đê, kênh Chống Mỹ và kênh Thị Tường khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tuy nhiên TN và TP trên kênh Đê thấp nhất có ỹ nghĩa thống kê so với kênh Chống Mỹ và kênh Thị Tường. Cần có giải pháp bổ sung phân bón định kỳ để nâng cao tỷ lệ N/P ở các mô hình nuôi và bổ sung thức ăn viên nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho các đối tượng nuôi phát triển tốt.
  6. Tỷ lệ sống và năng suất các mô hình thử nghiệm như sau:
  • Mô hình chuyên cua là 14,25 ± 13,07 % và 249,55 ± 122,77 kg/ha/năm;
  • Mô hình tôm cua kết hợp thì tôm là 19,26 ± 5,39 % và 206,54 ± 57,97 kg/ha/năm, cua là 10,36 ± 4,11 % và 79,20 ± 36,10 kg/ha/năm;
  • Mô hình tôm QCCT là 22,27 ± 2,97 % và 381,88 ± 50,99 kg/ha/năm.
  1. Mô hình nuôi chuyên cua chỉ có 01 hộ đạt lợi nhuận 19,48 triệu đồng/ha do đạt năng suất và tỷ lệ sống cao, các hộ còn lại bị lổ do năng suất và tỷ lệ sống thấp; Mô hình nuôi tôm cua kết hợp có lợi nhuận từ 8,27 – 11,42 triệu đồng/ha/năm; Mô hình nuôi tôm sú QCCT có lợi nhuận từ 4,55 – 7,96 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận trung bình của các hộ nuôi tôm cua kết hợp là 10,31 triệu đồng/ha/năm cao có ý nghĩa thống kê (p<0,05) so với lợi nhuận trung bình của các hộ nuôi tôm QCCT là 6,07 triệu đồng/ha/năm.

Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn và các mô hình nuôi phù hợp

I.1.1 Lịch mùa vụ 

Qua theo dõi nhận thấy độ mặn ở khu vực Mũi Ông Lục đạt trên 10‰ vào khoảng cuối 01 hàng năm, lúc này các trà lúa trên nền đất nuôi tôm (nếu có) đã thu hoạch xong nên có thể bắt đầu một vụ nuôi tôm mới, lịch mùa vụ cụ thể như sau:
Qua các dữ liệu về môi trường đất và nước ở khu vực Mũi Ông Lục nhận thấy bố trí vụ lúa trên nền đất nuôi tôm ở đây sẽ gặp nhiều khó khăn do đất ở khu vực mũi Ông Lục bị nhiễm mặn ở mức trung bình (4 < EC < 15mS/cm) đến cao EC>15mS/cm), đất bị SODIC hóa nặng (ESP >15%), vẫn nằm trong giới hạn có thể rửa mặn để canh tác lúa (SAR<12) nhưng cần lượng nước và thời gian dài để rửa mặn (Lê Quang Trí, 2009) cho nên để duy trì sản lượng tôm thu hoạch trong năm đề nghị thả bổ thêm 1 đợt giống tôm sú vào đầm nuôi với mật độ 1 con/m2 vào tháng 7 hoặc 8 trước khi bước vào mùa sên vét ao đầm nuôi tôm theo quy định của UBND tỉnh Cà Mau là tháng 8 và tháng 9.
Trong thực tế, các năm 2008, 2009, 2010 các hộ trong phạm vi nghiên  cứu kể cả một số hộ không tham gia mô hình nuôi thử nghiệm đã cố gắng bố trí vụ lúa trên nền đất nuôi tôm (sử dụng giống lúa một bụi đỏ, gieo mạ trên sân và bờ líp để cấy khi có độ mặn phù hợp) nhưng kết quả thu hoạch không khả quan: năm 2008 lúa không tăng trưởng, năm 2009 bị thiệt hại do mưa kết thúc sớm, năm 2010 lượng mưa đầu vụ thấp nên không thể rửa mặn để trồng lúa.  Tuy nhiên, theo đánh giá của Nguyễn Trần Thức, 2010 thì kết quả sản xuất lúa trên nền đất nuôi tôm của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2005 – 2008 tương đối tốt và trình bày ở Bảng 1.

Hiện nay, nguyện vọng của nhân dân ở khu vực Mũi Ông Lục muốn bố trí thêm vụ lúa trên nền đất nuôi tôm. Tuy nhiên trong điều kiện môi trường đất, nước và hệ thống thủy lợi như hiện nay thì muốn thành công vụ lúa trên nền đất nuôi tôm ở khu vực này cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về kỹ thuật canh tác và bộ giống lúa phù hợp hơn.

I.1.2 Giải pháp về thủy lợi và giao thông

Qua khảo sát nhận thấy hệ thống thủy lợi ở khu vực Mũi Ông Lục chưa hoàn chỉnh, biên độ triều thấp và 02 đoạn kênh bị nhân dân bao ví nên khả năng trao đổi nước thấp, vào các kỳ triều kiệt từ tháng 4 đến tháng 6 không thể sử dụng chênh lệch thủy triều để lấy nước vào đầm nuôi mà phải sử dụng máy để bơm nước vào đầm nuôi. Để giải quyết vấn đề, các cấp chính quyền cần vận dụng các cơ chế phù hợp để giải tỏa 02 đoạn kênh bị nhân dân bao ví, trả lại mặt bằng kênh rạch để gia tăng khả năng trao đổi nước trên kênh Đê. Ngoài ra, trước mắt do chưa đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ cần tìm kiếm nguồn tín dụng phù hợp để hỗ trợ máy bơm nước cho nhân dân trong vùng.  
Khu vực Mũi Ông Lục chưa có hệ thống giao thông đường bộ và điện sinh hoạt, khi đầu tư hệ thống thủy lợi cần kết hợp xây dựng giao thông đường bộ và  hệ thống điện sinh hoạt tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân trong vùng giao thương, mở mang dân trí và sử dụng điện vào các hoạt động sản xuất.

I.1.3 Quy trình kỹ thuật đề nghị ứng dụng

I.1.3.1Mô hình ứng dụng 

Từ kết quả nuôi thử nghiệm, khuyến cáo ứng dụng một số mô hình sau:
Ưu tiên cho mô hình tôm cua kết hợp do ổn định và lợi nhuận cao hơn so với mô hình tôm QCCT.
Mô hình tôm QCCT cần thiết phải bổ sung thêm thức ăn viên trong giai đoạn cuối nhưng phải tăng cường chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường trong đầm nuôi.
Mô hình chuyên cua nên thả ở mật độ thấp hơn (đề nghị 0,38 con/m2), có thể ương trong diện tích nhỏ mật độ 0,77 con/m2 sau đó 60 ngày tiến hành san thưa còn mật độ 0,38 con/m2.  
Do là vùng khó khăn về thủy lợi nên nhất thiết phải ứng dụng quy trình ít thay nước và bổ sung chế phẩm vi sinh theo quy trình kỹ thuật đề nghị.

I.1.3.2Quy trình kỹ thuật kỹ thuật đề nghị cho các mô hình

Kỹ thuật chung cho mô hình nuôi tôm QCCT và kết hợp tôm – cua

Cải tạo đầm

  1. Dọn vệ sinh xung quanh đầm nuôi.
  2. Tháo cạn nước trong đầm đến mức thấp nhất có thể, tiến hành sên vét hết lớp bùn đen ở đáy mương.
  3. Mũi Ông Lục có sự hiện diện của tầng phèn tiềm tàng nông nên không phơi đầm, đo pH đất đáy ở khu vực này là 4,5 – 6 nên chỉ định lượng vôi bón là 200 – 1.000 kg/ha để khử chua đáy đầm. Vôi được rải đều khắp mặt đầm nuôi (bờ, trảng và mương), rải nhiều ở đáy mương (đo pH đất đáy đầm nuôi bằng cách lấy mẫu đất đáy, pha loãng theo tỷ lệ đất : nước = 1: 2,5, lắc đều và dùng máy đo pH để đo pH).

Chuẩn bị nước trước khi thả giống nuôi

  1. Chọn thời điểm có thủy triều cao nhất để lấy nước vào đầm nuôi thông qua túi lọc được lắp đặt ở miệng cống xi măng.
  2. Mức nước ở mương ban đầu cần thiết cho diệt cá tạp từ 10 - 15 cm. Sau khi diệt tạp xong, nước được cấp bổ sung để đạt: Ở trảng từ 0,3 – 0,5m, và ở mương từ 0,8-1,0m.
  3. Sau khi lấy nước vào đầm đủ cần thiết cho diệt tạp, 2-3 ngày sau tiến hành diệt cá tạp, sử dụng rễ cây thuốc cá xay nhỏ với liều lượng 1,5 – 2 kg/1.000 m3.  
  4. Thuốc được rải đều khắp ao vào lúc trời nắng tốt (11-13h).

Bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao và sử dụng chế phẩm sinh học

  1. Khoảng 3-5 ngày sau khi diệt tạp, tiến hành bón phân DAP liều lượng 2kg/1.000m3/ngày, bón liên tục 5 ngày. Khi nước trong đầm nuôi đạt độ trong 45 cm thì giảm lượng phân bón còn 0,5 kg/1.000m3/lần bón và tiếp tục bón định kỳ 3 ngày/lần trong suốt tháng đầu tiên (kể cả khi đã thả giống.
  2. Sử dụng chế phẩm EFINOL (PRO-PT là một loại chế phẩm sinh học do công ty Gia Hòa cung cấp trên thị trường với thành phần chính là Bacillus subtilis, Bacillus licheniformi,Lactobacillus acidophilus và Saccharomyces cerevisiae) nhằm nâng cao tính ổn định chất lượng nước và chống sốc cho tôm và cua giống trước khi thả nuôi. Thời gian sử dụng trước khi thả giống 3 ngày với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chọn giống

  1. Trong quy trình nuôi QCCT, tôm giống không bắt buộc phải qua kiểm tra mô học hoặc PCR cho nên đã chọn lụa con giống thả nuôi cho nông hộ tham gia thử nghiệm bằng phương pháp cảm quan. Tuy nhiên nếu có điều kiện nên xét nghiệm giống bằng phương pháp PCR để lựa chọn tôm giống sạch bệnh sẽ tốt hơn.

Quản lý môi trường nuôi

  1. Vận dụng quy trình ít thay nước, vào các kỳ triều cường lớn nhất lấy nước bổ sung thêm vào đầm khoảng 10% (nếu biên độ triều cho phép) hoặc dùng máy cấp nước bổ sung cho đầm nuôi khoảng 10%.
  2. Tháng đầu tiên không cấp nước và không sử dụng chế phẩm sinh học. Từ tháng thứ hai đến khi kết thúc, định kỳ 7 ngày/lần sử dụng chế phẩm PRO-PT theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ổn định môi trường nuôi, định kỳ 15 ngày/lần sử dụng Zeolite dạng hạt liều lượng 100 kg/ha để làm sạch nền đáy các đầm nuôi. Ngoài ra, căn cứ vào biến động môi trường để có những giải pháp kỹ thuật cho phù hợp như bón vôi xung quanh khi mưa lớn, tăng cường thêm chế phẩm vi sinh khi phát hiện đáy đầm nuôi bị tích lũy H2S (có mùi trứng thối xuất hiện).
  3. Sau 03 tháng kể từ ngày thả giống đầu tiên dùng lú thưa để thu tỉa tôm sú và kéo dài cho đến khi hết tôm và chuẩn bị cho một niên vụ mới.

Kỹ thuật riêng cho các mô hình

  1. Nuôi tôm QCCT: Thả 2 lần: lần đầu mật độ 4 con/m2, lần 2 sau 45 – 60 ngày so với lần đầu. Sau 2 tháng nuôi, xác định tôm đạt tỷ lệ sống và thiếu ăn thì bổ sung thêm thức ăn viên số lượng 2,5 kg/ngày/hộ. Đề nghị bổ sung thêm đợt thả giống tôm sú thứ 3 mật độ 1 con/m2 vào tháng 7 hoặc 8 trước khi đến thời điểm quy định sên vét ao đầm nuôi thủy sản của UBND tỉnh Cà Mau vào tháng 8 và 9 hàng năm.
  2. Nuôi tôm cua kết hợp thả lần đầu mật độ tôm Post Larvae15 (PL15) là 3 con/m2 và mật độ cua hạt dưa (3 mm) là 0,2 con/m2, thả bổ sung PL15 lần 2 là 1 con/m2 sau 45 – 60 ngày so với lần đầu. Khi xác định tôm đạt tỷ lệ sống và thiếu ăn bổ sung thêm thức ăn viên số lượng 2,5 kg/ngày/đầm.
  3. Nuôi chuyên cua trong các ao có độ sâu 1,1 m,  cải tạo và chuẩn bị ao đầm tương tự như các mô hình nuôi QCCT và kết hợp tôm – cua, định kỳ sử dụng chế phẩm PRO-PT gấp 1,3 lần so với các ao nuôi tôm QCCT và tôm – cua kết hợp nhằm ổn định môi trường nuôi (do ao nuôi cua sử dụng thức ăn tươi nên môi trường dễ ô nhiễm hơn). Mật độ thả cua là 0,77 con/m2 sau 60 ngày cần san thưa ra diện tích lớn hơn để đạt mật độ 0,38 con/m2, chú trọng cung cấp thức ăn đầy đủ và tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh để quản lý môi trường nuôi.  
  4. Hiện nay có nhiều loại chủng loại vi sinh trên thị trường phù hợp cho các mô hình nuôi, tuy nhiên khi sử dụng cần lưu ý tăng liều lượng sử dụng gấp 1,3 – 1,5 lần so với  khuyến cáo của các nhà sản xuất.

I.1.4 Một số ý kiến đề xuất của cán bộ tham gia hội thảo chuyên đề

Đại diện phòng NN & PTNT và Trạm Khuyến Nông – Khuyến Ngư huyện Cái Nước đã tham gia và góp ý cho hội thảo chuyên đề, cơ bản các ý kiến thống nhất với các kết luận và đề xuất của đề tài. Ngoài ra còn đề xuất một số ý kiến như sau:
  1. Đánh giá các tác động của khoa học kỹ thuật đến khả năng nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi thử nghiệm ở khu vực Mũi Ông Lục.
  2. Lịch mùa vụ nên sớm hơn (khoảng nửa cuối tháng 12 hàng năm) để tránh nắng nóng và độ mặn cao trong mùa khô.
  3. Các ngành chức năng cần phải có kế hoạch và chính sách phù hợp hỗ trợ về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật phù hợp phát triển các mô hình nuôi hiệu quả cho nhân dân trong khu vực Mũi Ông Lục nói riêng và các vùng khác có điều kiện tương tự.
  4. Cần bổ sung thêm dinh dưỡng và chế phẩm vi sinh để các mô hình nuôi hiệu quả hơn.
  5. Nên chọn giống bằng kỹ thuật PCR để lựa chọn tôm giống đạt chất lượng trước khi thả nuôi
  6. Nên tổ chức ương cua giống 3mm trong các ao nhỏ 20 – 60 ngày trước khi thả lan ra trên diện rộng sẽ hiệu quả hơn, tỷ lệ sống cao hơn.
  7. Các ngành quản lý cần có kế hoạch chuyển giao và nhân rộng kỹ thuật của các mô hình đã thử nghiệm cho nhân dân trong vùng và các khu vực khác có điều kiện tương tự.
ThS. Đỗ Văn Hoàng (nguồn đề tài: điều tra đánh giá điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội và ứng dụng các mô hình nuôi thủy sản phù hợp ở vùng khó khăn Mũi Ông Lục (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. 2010. Chủ nhiệm: ThS. Đỗ Văn Hoàng).
 
 
Tôm giống càng xanh toàn đực
Phân viện nghiên cứu thủy sản NSH
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2
  • Hôm nay143
  • Tháng hiện tại3,320
  • Tổng lượt truy cập3,653,299
logo vn copy 1 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây