Nuôi tôm

QUY TRÌNH NUÔI TÔM QCCT

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy trình này quy định trình tự nội dung và những yêu cầu kỹ thuật cho nuôi tôm sú (Penaeus monodon).
Quy trình áp dụng cho tất cả nông hộ và cơ sở nuôi tôm QCCT trong vùng có hệ thống cấp và thoát nước theo thủy triều để đạt năng suất trên 400kg/ha/năm.

II. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

- Đầm nuôi nằm trong vùng triều, thích hợp nhất là hạ triều và trung triều.
- Nguồn nước sử dụng cho đầm nuôi từ các kênh mương, không bị ô nhiễm, các chỉ tiêu môi trường phù hợp với điều kiện sống của các loài thủy sinh vật. Nước quanh năm có độ mặn 5-35‰.
- Chất đất có khả năng giữ được nước.
- Giao thông có thể đi lại bằng xe hoặc xuồng.

III. MÙA VỤ VÀ THỜI GIAN NUÔI

- Mùa vụ cho nuôi tôm QCCT có thể quanh năm, nhưng tập trung thả giống theo 2 vụ.
  Vụ I: thả giống mùa khô: tháng 3,4.
Vụ II: thả giống mùa mưa: tháng 9,10.
- Thời gian cho mỗi vụ kéo dài 3-6 tháng.

IV. CÔNG TRÌNH NUÔI

- Hình dạng đầm nuôi: hình vuông hoặc chữ nhật.
- Diện tích đầm: 0,5-2ha.
- Bờ: cao, không ngập nước khi triều cường, không rò rỉ.
- Mương bao: có diện tích chiếm trên 25% diện tích đầm nuôi tôm.
- Cống: 1 hoặc 2 cống, khẩu độ 0,5-0,8m, cống làm bằng xi măng.

V. NHÂN LỰC VÀ THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐỂ NUÔI TÔM

-  Nhân lực: Nhân lực cần thiết cho 1 ha nuôi tôm QCCT là 1 lao động. Lao động này có thể thực hiện tất cả công việc liên quan đến sản xuất.
-  Thiết bị, dụng cụ phục vụ nuôi tôm chủ yếu:
+ Nhà bảo vệ cũng vừa là nơi ở, nơi cất giữ dụng cụ, thức ăn bổ sung (nếu cần), thuốc, hoá chất phục vụ cho việc nuôi.
+ Lưới, sàng cho tôm ăn, kích thước 80cm x 80 cm (nếu có bổ sung thức ăn).
+ Một số dụng cụ đơn giản liên quan môi trường: pH, đo độ mặn, nhiệt độ, độ trong, độ sâu và độ kiềm, amonia, nitrat, nitrit. Những dụng cụ này có thể dùng chung cho nhiều đầm hoặc chung cho câu lạc bộ.  
+ Một số dụng cụ cần thiết khác: cân, xô, chậu, chài, lú thu tôm, xuồng (vỏ), vợt…

VI. THỨC ĂN CHO TÔM VÀ TÔM GIỐNG

- Sử dụng thức ăn để ương, thuần dưỡng giống ở giai đoạn đầu hoặc. Thức ăn viên có chất lượng theo tiêu chuẩn ngành, hoặc thức ăn tự chế.
- Tôm giống phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ngành.

VII. NỘI DUNG QUY TRÌNH NUÔI TÔM SÚ QCCT

1. Cải tạo đầm
- Dọn vệ sinh quanh đầm nuôi.
- Tháo cạn nước trong đầm đến mức tối đa nhất, tiến hành sên vét hết lớp bùn đen ở đáy mương.
- Sau đó tiến hành phơi đầm một thời gian, tùy theo điều kiện của mùa vụ thời gian phơi đầm có thể kéo dài 5-7 ngày. Song song với thời gian phơi đầm cần tiến hành bón vôi để khử trùng, khử chua đáy đầm. Liều lượng vôi phụ thuộc vào nồng độ pH của đất đáy, liều lượng thấp hơn quy trình nuôi tôm BTC và TC, dao động từ 200-1.000 kg/ha (đối với pH đất đáy từ 4,5-6,0). Vôi được rải đều khắp mặt đầm nuôi (bờ, trảng và mương), rải nhiều ở đáy mương.
2 Chuẩn bị nước trước khi thả giống nuôi
2.1 Chọn nước lấy vào đầm
- Sau 5-7 ngày tiến hành chọn nước tốt lấy vào đầm. Chọn thời điểm con nước thủy triều cao nhất để lấy. Nước được lấy vào đầm thông qua túi lọc (hoặc lưới mành) được lắp ở miệng cống xi măng.
- Mức nước ở mương ban đầu cần thiết cho diệt cá tạp từ 10-15 cm. Sau khi diệt tạp xong, nước được cấp bổ sung để đạt: Ở trảng từ 0,4–0,6m, và ở mương từ 1-1,4m.
 
2.2 Diệt tạp
- Sau khi lấy nước vào đầm đủ cần thiết cho diệt tạp, 2-3 ngày sau tiến hành diệt cá tạp, có thể sử dụng một trong những thuốc diệt tạp như sau:
+ Saponine liều lượng 10-15ppm (10-15kg/1.000 m3)
+ Rễ cây thuốc cá xây nhỏ với liều lượng 1,5-2kg/1.000 m3.  
- Thuốc được rải đều khắp ao, thời điểm tốt nhất lúc trời nắng tốt (11-13h).
- Trong quy trình nuôi tôm QCCT không cần thiết diệt khuẩn trước khi nuôi để tiết kiệm chi phí.
2.3 Bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao
Nuôi QCCT phải bón phân để gây nuôi thức ăn tự nhiên và tạo màu nước cho đầm nuôi. Khoảng 3-5 ngày sau khi diệt tạp, tiến hành bón phân. Có thể sử dụng phân DAP hoặc NPK hoặc Urê.
- Thời gian bón phân vào lúc trời nắng từ 9-11h
- Phân được hòa tan trong nước rồi tạp đều khắp mặt ao
- Liều lượng từ 1-1,5 kg/1.000m3/lần bón
- Bón phân liên tục từ 3-5 ngày, sau khi màu nước đạt độ trong từ 35-45 cm thì giảm lượng phân bón xuống còn 0,3 kg/1.000m3/lần bón và định kỳ 3-5 ngày bón/lần suốt tháng đầu tiên.
4  Sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả giống
- Sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao tính ổn định chất lượng nước và tạo điều kiền cho vi sinh vật có lợi phát triển và cạnh tranh, lấn át vi sinh vật không có lợi cho tôm.
- Thời gian sử dụng trước khi thả giống 3 ngày.
- Liều lượng: theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3.  Thả tôm giống
3.1 Chọn giống
Trong quy trình nuôi QCCT, tôm giống không bắt buộc phải qua kiểm tra mô học hoặc PCR. Tuy nhiên, nếu có điều kiện nên kiểm tra mô học hoặc PCR  nhằm hạn chế những bệnh virus nguy hiểm thường gặp như bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (HYV), bệnh còi (MBV) xảy ra cho tôm nuôi do con giống.
3.2 Mật độ và số lần thả
Số lần thả cho mỗi vụ là 2 lần. Khoảng cách giữa 2 lần từ 1-1,5 tháng.
Mật độ thả lần 1 là 1,5-2con/m2 và lần 2 là 1,5con/m2.
3.3  Phương pháp thả giống, thuần hóa giống và thuần dưỡng giống (gièo)
- Giống sau khi vận chuyển về đến ao nuôi, được thuần hóa độ mặn, nhiệt độ và kết hợp test Formalin (100 ppm) để loại trừ những mầm bệnh bên ngoài trước khi đưa xuống ao nuôi khu vực gièo.
- Có thể sử dụng thùng nhựa, thùng xốp từ 60-120 lít để thuần hóa (hoặc bể composite).
- Thời gian thuần hóa và kết hợp test Formalin từ 30-60 phút tùy theo độ chênh lệch độ mặn và nhiệt độ và sức khỏe của con giống.
- Sau đó, giống được thả vào khu vực gièo để thuần dưỡng từ 30-45 ngày. Sau thời gian này giống được thả rộng ra toàn bộ diện tích nuôi QCCT.
- Khu vực gièo có thể là ao nhỏ hoặc ngăn lưới là một phần diện tích của ao nuôi QCCT được ngăn chặn bởi lưới mành.
4. Quản lý và chăm sóc
4.1 Quản lý thức ăn và cho tôm ăn
- Đối với quy trình nuôi QCCT, chúng ta chỉ cần quan tâm đến lượng thức ăn tự nhiên trong ao, màu nước và điều chỉnh lượng nước thay một cách hợp lý là đủ, không nhất thiết cho tôm ăn.
Phương thức quản lý thức ăn và điều chỉnh lượng thức ăn trong ngày tương tự như quy trình nuôi BTC và TC. Tuy nhiên, số lần cho tôm ăn ở quy trình này là 2 lần/ngày vào vào thời điểm 6h và 18h. Lượng thức ăn theo bảng khẩu phần thức ăn bên dưới.
                      
 
4.2  Quản lý nước
- Nếu có điều kiện thì tiến hành theo dõi một số yếu tố môi trường như: pH, DO, nhiệt độ, độ trong, màu nước để kịp thời xử lý. Thời gian theo dõi vào lúc 6h và 14h hàng ngày.
- Thay nước theo con nước (15 và 30 âm lịch). Thay nước từ tháng thứ 2 sau khi thả giống. Lượng nước thay mỗi lần 20-30%.
- Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để xử lý sau khi thay nước.
4.3  Quản lý ao nuôi và sức khỏe tôm
- Hàng ngày tiến hành kiểm tra bờ ao, hệ thống cống cấp thoát nước, lưới bao che nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời.
- Nên định kỳ 10-15 ngày cân đo trọng lượng tôm một lần để xác định mức tăng trưởng cụ thể và lên kế hoạch cho thu hoạch.
- Thường xuyên quan sát màu sắc cơ thể, mang, hệ thống gan tụy của tôm và hành vi bơi lội, mức độ phản xạ của tôm.
- Quan sát phụ bộ có còn nguyên vẹn hay không, có biểu hiện của nhiễm khuẩn hay một số bệnh khác hay không (đóng rong, mềm vỏ,...)
5. Thu hoạch
- Sau thời gian 3 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa những con đạt trọng lượng thương phẩm bằng lú thưa.
- Thu hoạch hàng tháng theo con nước thủy triều.
-  Thu hoạch dứt điểm sau mỗi vụ nuôi bằng lú dày đặt ở miệng cống.
Tôm thu hoạch phải đảm bảo tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh.
6. Bảo quản
Tôm thu xong rửa sạch và ướp đá trước khi tiêu thụ.


QUY TRÌNH NUÔI TÔM SÚ BTC VÀ TC 

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy trình dự thảo này quy định trình tự nội dung và những yêu cầu kỹ thuật cho nuôi tôm sú (Penaeus monodon).
Quy mô áp dụng cho những nông hộ cũng như cơ sở nuôi BTC và TC  trong những vùng đã được quy hoạch để đạt năng suất trên 3 tấn/ha/vụ.

II. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

- Nơi xây dựng ao nuôi nằm trong vùng triều, thích hợp nhất là trung triều và cao triều.
- Nguồn nước sử dụng cho đầm nuôi từ các kênh mương theo thủy triều, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, các chỉ tiêu môi trường phù hợp với điều kiện sống của các loài thủy sinh vật. Nước có độ mặn từ 10 đến 35‰.
- Chất đất có khả năng giữ được nước tốt.
- Giao thông thuận lợi, có thể đi lại bằng xe hoặc xuồng một cách dễ dàng. Gần nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần và những dịch vụ liên quan khác.

III. MÙA VỤ VÀ THỜI GIAN NUÔI

- Mùa vụ cho nuôi tôm BTC và TC được chia làm 2 vụ.
+ Vụ I: kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7.
+ Vụ II: từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau.
Tùy theo điều kiện kinh tế, địa hình và khả năng quản lý các nông hộ hoặc cơ sở thả giống nuôi ở hai mùa vụ như trên hoặc chỉ một vụ trong năm (vụ I).
- Thời gian kéo dài cho mỗi vụ từ 4-5 tháng.

IV. CÔNG TRÌNH NUÔI

- Hình dạng ao: vuông hoặc chữ nhật không quá dài, tỷ lệ dài/rộng không quá 1,5.
- Diện tích ao: 0,3-0,5 ha.
- Đáy ao: bằng phẳng.
- Bờ ao: không rò rỉ, cao hơn nước lớn nhất 0,5m, mặt rộng 2-3m.
- Cống: có 1-2 cống. Trường hợp có 1 cống thì cần thiết phải có cống thoát để dễ thao tác. Cống làm bằng xi măng hoặc nhựa hoặc composite, khẩu độ hoặc đường kính 0,3-0,5m.
- Độ sâu của nước trong ao: 1,2-1,5m.
- Ao xử lý nước: có diện tích chiếm 25% diện tích ao nuôi.
- Ao xử lý nước thải: có diện tích chiếm 20% diện tích ao nuôi.

V. NHÂN LỰC VÀ THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐỂ NUÔI TÔM

-  Nhân lực: nhân lực cần thiết cho 1 ha nuôi là 2 lao động, trong đó:
+ 1 lao động chính thực hiện các công việc chính thường nhật hàng ngày như: Cho tôm ăn, quản lý và điều tiết thức ăn, quản lý môi trường đầm nuôi, chăm sóc sức khỏe tôm nuôi, theo dõi tăng trưởng và thu hoạch.
+ 1 lao động phụ thực hiện các công việc phụ như: mua thức ăn, phối hợp trực bảo vệ và phụ giúp những công việc cho lao động chính.
- Thiết bị, dụng cụ phục vụ nuôi tôm chủ yếu là:
+ Nhà bảo vệ cũng vừa là kho cất giữ dụng cụ, thức ăn, hoá chất phục vụ nuôi.
+ Lưới (2a £ 1 mm) rào những vật mang mầm bệnh trung gian (cua, còng,…).
+ Túi lọc nước bằng vải kate với kích thước F 1m  và dài từ 10-15m.
+ Lưới, sàng cho tôm ăn (kích thước sàng 80 x 80 cm).
+ Thiết bị cung cấp oxy hòa tan cho ao nuôi: quạt nước (80-120 cánh), ống láp (60-72m), phao nâng đỡ (30-40 phao), cây cố định phao (60-80 cây), máy nổ (10-22 cv) hay motor điện (2-5 KW))
+ Dụng cụ liên quan môi trường: pH, đo độ mặn, nhiệt độ, độ trong, độ sâu và một số bộ testkit độ kiềm, amonia, nitrat, nitrit. Những dụng cụ này có thể dùng chung cho nhiều ao nuôi.  
+ Một số dụng cụ cần thiết khác: cân, xô, chậu, chài, lú thu tôm, thuyền nhỏ, vợt…
Tất cả, tùy theo điều kiện kinh tế và quy mô của mô hình, tiến hành đầu tư cho phợp lý, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu sử dụng và phát triển của tôm nuôi.

VI. THỨC ĂN CHO TÔM VÀ TÔM GIỐNG

- Thức ăn được sử dụng cho tôm ăn là thức ăn viên công nghiệp, thức ăn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102:1997.
- Tôm giống phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn ngành 28 TCN 96:1996.

VII. NỘI DUNG QUY TRÌNH NUÔI TÔM SÚ BTC và TC

1. Chuẩn bị ao
Trước mỗi vụ nuôi cần phải tiến hành chuẩn bị ao nuôi theo trình tự nội dung công việc như sau:
- Dọn vệ sinh quanh ao nuôi.
- Tháo cạn nước trong ao, tiến hành sên vét hết lớp bùn đen ở đáy ao.
- Đối với ao nuôi BTC và TC thời gian phơi ao kéo dài hơn và liều lượng vôi sử dụng để sát trùng, khử chua đáy ao cao hơn quy trình nuôi tôm QCCT. Tùy theo điều kiện của mùa vụ thời gian phơi ao có thể kéo dài 7-10 ngày. Vôi sử dụng được rải đều khắp ao với liều lượng phụ thuộc vào pH đáy ao như trình bày bảng 1.
- Tiến hành rào lưới (2a £ 1mm) quanh ao nhằm ngăn cản những động vật (cua, còng,…) mang mầm bệnh trung gian vào ao nuôi. Lưới cao hơn mặt đất từ 0,6-1m.
- Tùy theo pH đất, lượng vôi sử dụng để sát trùng và khử chua đất khác nhau.
2.  Chuẩn bị nước trước khi thả giống nuôi
2.1 Chọn nước lấy vào ao
- Sau khi bón vôi và phơi đầm xong, cần tiến hàng chọn nước tốt lấy vào ao. Chọn thời điểm con nước thủy triều cao nhất để lấy. Nước được lấy vào ao thông qua túi lọc được gắn ở miệng cống xi măng hoặc ống nhựa PVC hoặc đầu ra máy bơm tùy theo điều kiện đầu tư trang thiết bị cho ao.
- Mức nước đảm bảo nuôi tôm BTC và TC phải từ 1,2–1,5m.
2.2 Diệt tạp
- Sau 3-5 ngày tiến hành diệt cá tạp, có thể sử dụng một trong những thuốc diệt tạp như sau:
+ Saponine liều lượng 10-15ppm (10-15kg/1.000 m3) hoặc
+ Rễ cây thuốc cá xay nhỏ với liều lượng 1,5-2kg/1.000 m3.  
- Thuốc được rải đều khắp ao, thời điểm tốt nhất lúc trời nắng tốt (11-13h).
2.3 Diệt khuẩn
- Trong quy trình nuôi tôm BTC và TC, nước cần phải được diệt khuẩn trước khi thả giống nhằm hạn chế bệnh xảy ra cho tôm nuôi về sau. Sử dụng những hóa chất nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ NN & PTNT để xử lý. Có thể sử dụng một trong những loại sau:
+ Chlorine liều lượng 30 ppm (30 kg/1.000m3)
+ Iodine liều lượng 0,5-1 ppp (0,5-1 lít/1.000m3)....
- Thời điểm xử lý tốt nhất lúc chiều mát hoặc sáng sớm
2.4 Bón phân gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao
Trong quy trình nuôi BTC và TC tốt nhất sử dụng phân vô cơ để gây nuôi thức ăn tự nhiên, tạo màu nước cho ao. Sau 5-7 ngày xử lý thuốc diệt khuẩn mới tiến hành bón phân. Có thể sử dụng phân DAP hoặc NPK hoặc Urê.
- Thời gian bón lúc trời nắng từ 9-11h
- Phân được hòa tan trong nước rồi rải đều khắp mặt ao
- Liều lượng từ 1-1,5 kg/1.000m3/lần bón
- Bón phân liên tục từ 3-5 ngày, sau khi màu nước đạt độ trong từ 35 - 45 cm giảm lượng phân bón xuống còn 0,5 kg/1.000m3/lần bón và đinh kỳ 2-3 ngày bón/lần suốt tháng đầu tiên.
2.5 Sử dụng chế phẩm sinh học trước khi thả giống
- Trước khi thả giống khoảng 3 ngày, sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao tính ổn định chất lượng nước và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, hạn chế vi sinh vật có hại phát triển trong ao.
- Liều lượng 250g/1.000m3(tùy theo loại sử dụng)
3.  Thả tôm giống
Con giống được chọn lựa phải đạt tiêu chuẩn ngành. Đặc biệt, con giống phải được kiểm tra (Mô học hoặc PCR) không mang một số bệnh virus nguy hiểm thường gặp như bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (HYV), bệnh còi (MBV) và bệnh do vi khuẩn.
 
3.1  Mật độ thả
Mật độ giống thả, sản lượng thu hoạch liên quan rất lới đến cấu trúc địa hình, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng đầu tư và trình độ quản lý, tùy điều kiện cụ thể chọn mật độ thả giống cho thích hợp.
- Mật độ nuôi BTC: 15-20 con/m2
- Mật độ nuôi TC:  >20 con/m2
3.2 Thuần hóa giống và loại bỏ tôm yếu
- Giống sau khi vận chuyển về đến ao nuôi, được thuần hóa độ mặn, nhiệt độ và kết hợp test Formalin (100 ppm) để loại trừ những mầm bệnh bên ngoài trước khi đưa xuống ao nuôi.
- Có thể sử dụng thùng nhựa, thùng xốp từ 60-120 lít để thuần hóa (hoặc bể composite ).
- Thời gian thuần hóa và kết hợp test Formalin từ 30-60 phút tùy theo độ trên lệch độ mặn và nhiệt độ và sức khỏe của con giống.
- Sau đó, giống được thả từ từ ra ao nuôi.
- Giống khỏe thường bơi phân tán rất nhanh và bơi chúi ngay xuống đáy ao. Giống yếu thường bơi chậm chạp và bơi trên mặt nước một thời gian trước khi di chuyển xuống đáy.
4. Quản lý và chăm sóc
4.1  Quản lý thức ăn và cho tôm ăn

- Thức ăn sử dụng cho quy trình nuôi BTC và TC là thức ăn viên công nghiệp chất lượng cao, thức ăn đảm bảo các tiêu chí và đặc điểm lý, hóa theo đúng tiêu chuẩn ngành.
- Tùy theo khối lượng và trọng lượng trung bình tôm có trong ao, tiến hành chọn kích cỡ thức ăn và liều lượng thức ăn cho phù hợp. Khẩu phần thức ăn cho tôm ăn trong ngày xem bảng 2.
- Thức ăn được rải đều khắp mặt ao (trừ khu vục giữa ao), và phần trăm thức ăn cho vào sàng (cột 3) để kiểm tra theo thời gian tương ứng (cột 4).
- Số lần cho tôm ăn có thể 4 lần/ngày tại các thời điểm 6h, 11h, 18h và 23h.
- Tùy theo lượng thức ăn trong sàng thiếu, đủ hay dư, để điều chỉnh lượng thức ăn cho các lần tiếp theo.
- Ở giai đoạn đầu (trọng lượng tôm <2 g/con) không nhất thiết kiểm tra sàng ăn.
- Tùy theo diện tích ao lớn hay nhỏ, chúng ta bố trí số lượng sàng ăn nhiều hay ít. Thường, với kích thước ao từ 1.000-1.500m2 ta đặt 1 sàng để kiểm tra thức ăn là hợp lý.
- Ở thời điểm mưa nhiều, tôm chuẩn bị lột xác hoặc đang trong giai đoạn lột xác cần điều chỉnh giảm bớt 10-30% lượng thức ăn theo kế hoạch.
- Trong điều kiện môi trường biết động cao, tảo suy tàn cần bổ sung thêm vitamin C, khoán vi lượng và men tiêu hóa vào thức ăn ( trộn với dầu mực) để tăng cường sức đề kháng cho tôm và kích thích tiêu hóa.
Hiện nay, trên bao bì của tất cả công ty thức ăn đều có đưa ra bảng chỉ dẫn về liều lượng, trọng lương, kích cỡ thức ăn, phần trăm bỏ vào sàng ăn và thời gian kiểm tra sàng, chúng ta có thể tham khảo thêm để phối hợp điều chỉnh cho chính xác hơn.
4.2 Quản lý nước
Quản lý trực tiếp các thông số môi trường quan trọng như: pH, DO, nhiệt độ, độ trong, màu nước. Những yếu tố này nên được theo dõi hàng ngày vào lúc 6h và 14h.
- pH thích hợp nhất từ 7,5-8,5 và dao động trong ngày tốt nhất nhỏ hơn 0,5. Nếu pH thấp có thể dùng vôi để nâng pH lên, nếu pH cao có thể dùng hóa chất (hóa chất diệt tảo hoặc Formalin) để kiềm chế pH tăng cao.
- Cần tăng thời gian sử dụng quạt nước hoặc cường độ quạt nếu hàm lượng ôxy hòa tan thấp, đặc biệt sáng sớm.
- Cũng có thể nâng cao mực nước nhằm ổn định nhiệt khi nhiệt độ thay đổi.
- Màu nước tốt nhất là màu vàng rơm, vàng xanh hoặc xanh vàng, cùng với độ trong nên duy trì ở mức 25-35cm.
Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra các yêu tố gây độ cho tôm như NH3-N, NO2-N hoặc PO43- để kịp thời điều chỉnh, tìm biện pháp xử lý như sử dụng zeolite (5-10 ppm) hoặc thay nước,...
Quạt nước là yêu cầu kỹ thuật bắt buộc trong nuôi tôm BTC và TC. Thời gian vận hành quạt nước tối ưu nhất được trình bày như sau:
 
Quản lý thời gian quạt nước
Tuần nuôi Thời điểm quạt nước trong ngày Tổng số giờ quạt
1 ¸ 3 4:00-5:30;   9:00-10:00 2,5 giờ
4 ¸ 5 3:00-5:30;   9:00-10:00;   16:30-17:30 4,5 giờ
6 ¸ 11 2:00-5:30;   9:00-10:00;   16:30-17:30;
20:30-21:30
6,5 giờ
12 ¸ 14 1:00-5:30;   8:30-10:00;   16:30-17:30;
20:30-21:30
7,5 giờ
15 ¸ Thu hoạch 1:00-5:30;   8:00-10:00;   14:30-17:00;   19:30-22:00 11 giờ
 
- Thay nước định kỳ theo con nước. Mỗi lần thay khoảng 20-30% lượng nước trong ao. Nước thay phải lấy từ ao lắng và đã được diệt khuẩn.
- Sử dụng chế phẩm sinh học sau khi thay nước.
4.3 Quản lý ao nuôi
- Hàng ngày tiến hành kiểm tra bờ ao, hệ thống cống cấp thoát nước, lưới bao che nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra sàng ăn, vệ sinh sàng ăn để kịp thời điều chỉnh thức ăn cho thích hợp.
- Nên định kỳ 10-15 ngày cân đo trọng lượng tôm một lần để xác định mức tăng trưởng cụ thể, điều chỉnh thức ăn và lên kế hoạch cho thu hoạch.
4.4 Quản lý sức khỏe tôm nuôi
- Thường xuyên quan sát màu sắc cơ thể, mang, hệ thống gan tụy của tôm và hành vi bơi lội, mức độ phản xạ của tôm.
- Kiểm tra thức ăn trong hệ thống tiêu hóa của tôm đầy hay rỗng? Khả năng tìm mồi có tích cực hay không?
- Quan sát phụ bộ có còn nguyên vẹn hay không, có biểu hiện của nhiễm khuẩn hay một số bệnh khác hay không (đóng rong, mềm vỏ,...)
Tất cả những yếu tố quan sát trên làm cơ sở cho việc điều chỉnh quản lý và xử lý kịp thời, tránh những sự cố đáng tiết xảy ra.
5. Thu hoạch
- Cần chài thu mẫu để kiểm tra trọng lượng trung bình tôm cũng như xem tôm có trong giai đoạn lột xác hay không?
- Tùy theo nhu cầu thị trường tiến hành thu hoạch sớm hay kéo dài nuôi thêm một thời gian nữa. Trong điều kiện tôm bệnh, môi trường xấu không có khả năng điều chỉnh cần thu hoạch ngay, thời gian thu hoạch càng nhanh càng tốt để tránh tôm “rớt đáy”.
- Tùy theo điều kiện đầu tư, chế độ thủy triều có thể thu hoạch bằng cách bơm cạn hoặc xổ cạn nước để bắt hoặc kéo lưới, lưới điện.
Nhìn chung, thu hoạch tôm phải nhanh gọn. Tôm thu hoạch phải đảm bảo tiêu chí về chất lượng và an toàn vệ sinh.
6. Bảo quản
Tôm thu xong phải rửa sạch và ướp nước đá trước khi tiêu thụ. Tôm nuôi TC và BTC thường có số lượng lớn nên cần hợp đồng tiêu thụ trước. Không để thời gian ướp đá quá lâu trước khi giao cho nhà máy chế biến.
ThS. Đỗ Văn Hoàng (nguồn: đề tài nghiên cứu một số giải pháp nhằm phát triển bền vững các mô hình nuôi tôm trên vùng chuyển đổi tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. 2012. Chủ nhiệm: ThS. Thiều Lư)

 

Tôm giống càng xanh toàn đực
Phân viện nghiên cứu thủy sản NSH
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay142
  • Tháng hiện tại3,319
  • Tổng lượt truy cập3,653,298
logo vn copy 1 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây