BƯỚC ĐẦU XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN GÂY CHẾT TRÊN CUA BIỂN
(Scylla paramamosain) NUÔI THƯƠNG PHẨM TẠI CÀ MAU
Cua Cà Mau đã trở thành một thương hiệu đặc sản của vùng đất Mũi trên khắp các vùng miền trong cả nước. Cua là món đặc sản trứ danh không thể thiếu trong thực đơn ẩm thực trong và ngoài nước do hương vị và chất lượng dinh dưỡng đặc biệt của chúng. Đối với nông dân, cua là vật nuôi có giá trị kinh tế cao giúp họ nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống. Tỉnh Cà Mau có hơn 271.000 ha diện tích nuôi cua kết với nhiều hình thức nuôi khác nhau như tôm – cua, mô hình kết hợp sò – tôm – cua, tôm rừng kết hợp. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay nghề nuôi cua tại Cà Mau đã gặp không ít khó khăn đó là hiện tượng cua nuôi thương phẩm chết không rõ nguyên nhân tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi và Trần Văn Thời. Hiện tượng cua chết đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi trên các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thông thường, thời điểm trước khi xảy ra hiện tượng cua bị bệnh và chết, thời tiết khí hậu thay đổi bất thường như nắng gắt, mưa nhiều và mưa trái mùa, có sương và lạnh vào sáng sớm. Cua bệnh và chết với các đặc điểm chung như: nổi lên mặt nước, cua óp, chết nhanh khi đưa lên khỏi mặt nước. Bệnh xảy ra mang tính lặp lại và tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Từ những vấn đề cấp bách này, nhóm nghiên cứu bước đầu đã xác định được một số tác nhân chính gây chết cua nuôi tại Cà Mau: ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trong xoang thân cua chiếm tỉ lệ cao nhất ( 92,5%) và vi khuẩn
Vibrio parahaemolyticus (45%) trong cơ, gan của cua. Trong năm 2023 - 2024, Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu sẽ thực hiện nghiên cứu sâu hơn về tác nhân chính gây bệnh và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh tổng hợp cho cua nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
|
|
Cua bệnh với dấu hiệu đen mang |
Giáp xác chân tơ trưởng thành trong xoang thân cua |
|
|
Cua nhiễm giáp xác chân tơ |
Ấu trùng giáp xác chân tơ (Sacculina sp.) |
Nguồn. Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu