VÀI SUY NGHĨ VỀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Thứ tư - 04/12/2019 22:47
1. Giới thiệu
 Trong những thập niên gần đây, nông nghiệp Việt Nam là một trong số ít ngành xuất siêu có bước phát triển nhảy vọt. Đó là kết quả của sự cố gắng chung tay và hỗ trợ của các cấp, các ngành có liên quan và đặc biệt là người sản xuất. Nhìn chung sự phát triển này thiếu tính hiệu quả và ổn định. Những vườn cây cứ lần lượt thay nhau xuất hiện theo thời gian trên cùng vùng đất canh tác, tương tự cho đối tượng nuôi trồng thủy sản. Những mùa bội thu tưởng chừng đã trong tay người sản xuất, thế nhưng chúng trôi qua ngoài mong đợi do “dội chợ-rớt giá”. Mặc dù một số sản phẩm nông nghiệp đã vươn ra thị trường thế giới, nhưng chưa thật sự ổn định về giá cũng như thị trường. Phần lớn sản phẩm chất lương chưa cao, chỉ được tiêu thụ trong nước, do đó thu nhập của người sản xuất thấp và bấp bênh. Thiết nghĩ để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển hiệu quả, nhanh, mạnh và bền vững cần xác định vai trò và phát huy liên kết bốn nhà, sự chung tay của tất cả các ngành có liên quan, đồng thời có các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương và sự hợp tác hiệu quả giữa trong và ngoài nước.
 
2. Những tồn tại và giải pháp đề xuất
 Người dân sản xuất tự phát, chưa xác định được vật nuôi cây trồng nào phù hợp và hiệu quả trong điều kiện sản xuất cụ thể của nông hộ trong quá trình canh tác, từ đó không định hướng phát triển lâu dài trong tương lai. Việc thay đổi đối tượng nuôi hay trồng mới mang tính phong trào của người dân là hoạt động thường thấy ở hầu hết vùng nông thôn Việt Nam. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả và tính ổn định kinh tế xã hội của vùng. Việc sản phẩm nông nghiệp được tạo ra nhiều ở một vùng rộng lớn vào mùa vụ thuận lợi vượt quá cầu làm thất thu cho người sản xuất không còn là hiện tượng hiếm thấy. Vì thế người sản xuất rất cần có quy hoạch phát triển vùng cụ thể và hiệu quả.
 Nhìn chung sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh múng, thiếu liên kết hợp tác, hỗ trợ sản xuất, vì thế sản phẩm tạo ra với số lượng nhỏ và thường chất lượng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặc dù nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đã và đang trên đường vươn xa đến các thị trường thế giới, nhưng hầu hết các sản phẩm còn lại chưa đạt yêu cầu xuất khẩu. Cần phát huy hiệu quả của các tổ hợp tác sản xuất để tiếp thu và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Không chỉ dừng lại ở việc đạt được giấy chứng nhận về tiêu chuẩn sản phẩm sạch, chất lượng cao để có giá bán cao hơn và có nhiều thị trường hơn, vấn đề quan trọng là có được uy tính về chất lượng sản phẩm và ổn định trên thị trường thế giới. Từ đó người dân có thu nhập cao và ổn định hơn.
 Các nhà khoa học chưa có những nghiên cứu sâu và cụ thể cho từng vùng sản xuất, từ đó chưa định hướng hay giới thiệu quy trình sản xuất đối tượng nuôi hay trồng cho từng vùng riêng biệt. Thật khó để có được quy trình sản xuất hay xác định đối tượng nuôi hay trồng phù hợp cụ thể cho từng vùng trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất khác như nhu cầu thị trường, trình độ sản xuất, chi phí đầu vào, và cả tập tính văn hóa nữa. Nếu làm được điều này, ngoài các nghiên cứu về kỹ thuật nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm cũng như phương pháp chế biến và bảo quản sản phẩm, những cảnh báo và dự đoán về điều kiện sản xuất, mùa vụ và dịch bệnh, cũng như biến động của thị trường sẽ góp phần điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng phát triển hiệu quả và ổn định trong tương lai.
 Thiếu sự hoạch định và quản lý sản xuất hiệu quả cho từng địa phương. Điều này xuất phát từ việc thiếu thông tin khoa học từ các công trình nghiên cứu, từ đó không có cơ sở để định hướng sản xuất trong tương lai. Việc quản lý thiếu tính khoa học và phát huy hiệu quả sự gắn kết với các ngành có liên quan là nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất thiếu đồng bộ và hiệu quả. Nếu nhà quản lý thống kê được trong mùa vụ sắp tới có bao nhiêu nông hộ, diện tích (người sản xuất tự đăng ký với nhà quản lý) sẽ áp dụng nuôi hay trồng đối tượng nào đó, dựa vào cập nhật tình hình sản xuất thực tế, cùng các dự báo điều kiện sản xuất như thời tiết, trình độ kỹ thuật canh tác và các yếu tố khác, các nhà chuyên môn và quản lý sẽ dự đoán được năng xuất hay sản lượng có thể đạt cho từng đối tượng sản xuất, từ đó xây dựng các hợp đồng mua bán sản phẩm phù hợp và kịp thời, giúp người dân có thu nhập cao và ổn định nhất.
 Các nhà chế biến và xuất nhập khẩu chưa đầu tư và phát huy hiệu quả vai trò của mình trong liên kết hợp tác sản xuất. Chưa có sự hỗ trợ sản xuất hiệu quả như cho vai vốn sản xuất, ký kết thu mua tiêu thụ sản phẩm, từ đó các nhà máy chế biến thường thừa hay thiếu nguyên liệu sản xuất theo từng thời điểm trong năm, từ đó ảnh hưởng đến các hợp đồng với nước ngoài. Cùng với chiến lược phát triển mạnh vùng sản xuất hàng hóa cần có quy hoạch cụ thể, hướng đến sản xuất ổn định và chất lượng cao, cần có sự sắp xếp, xác định lại chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất “value chain” trong thời gian tới giúp ổn định sản xuất, kinh tế xã hội trong từng vùng cụ thể.
 Cần có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế từ trung ương đến địa phương, giúp xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện của vùng sản xuất cũng như trình độ kỹ thuật và văn hóa của người sản xuất. Xây dựng chiến lược khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và bền vững. Các chính sách hỗ trợ về vốn kích thích sản xuất từ các nhà đầu tư hay ngân hàng cần được khai thác nhiều hơn. Hơn nữa cần xây dựng bảo hiểm nông nghiệp giúp người sản xuất an tâm hơn nếu có thiên tay hay dịch bệnh xảy ra. Cần các dự báo và thông báo về điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu chính xác và kịp thời đến người sản xuất, trong vùng cụ thể thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường hoạt động khuyến nông khuyến ngư sâu rộng, giúp điều chỉnh kịp thời mùa vụ và kỹ thuật sản xuất phù hợp, để hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất. Ngoài ra cần tranh thủ các hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước trong việc quy động vốn, nghiên cứu cũng như các hợp tác khác trong sự phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa.
 Để phát triển sản xuất trong thời gian tới theo hướng hiệu quả, ổn định và bền vững, cần quan tâm phát huy vai trò của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt phát huy hiệu quả liên kết bốn nhà trong sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường. Với sự chung tay này, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển thật sự hiệu quả, ổn định và bền vững, góp phần ổn định an ninh lương thực trong và ngoài nước, thật sự là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Kinh tế quốc gia hàng năm từ đó luôn tăng trưởng giúp ổn định đời sống kinh tế xã hội của người dân. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng điệp khúc “được mùa- rớt giá” sẽ đi vào dĩ vãng.

Tác giả bài viết: KS Ngô Minh Lý Phân Viện Nghiên Cứu Thủy Sản Nam Sông Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tôm giống càng xanh toàn đực
Phân viện nghiên cứu thủy sản NSH
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay345
  • Tháng hiện tại18,267
  • Tổng lượt truy cập3,759,200
logo vn copy 1 1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây