Bên cạnh mô hình canh tác luân canh một vụ tôm sú vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa, hiện nay đã và đang phát triển thêm mô hình canh tác xen canh tôm càng xanh cùng với trồng lúa. Tuy nhiên, những kỹ thuật nuôi và lựa chọn giống thả nuôi người dân chưa có kinh nghiệm. Việc bố trí thời gian thả giống, ương giống, chăm sóc vẫn còn xa lạ và chưa được phổ biến rộng rãi trong dân của vùng quy hoạch tôm lúa khép kín.
Việc nuôi tôm sú vào mùa khô, khi độ mặn ở mức cao và sau đó chuyển sang nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa vào mùa mưa, khi độ mặn giảm sẽ hạn chế một số bệnh tuyền nhiễm. Vì cơ hội cho mầm bệnh tồn tại phát triển ở cả hai môi trường mặn và ngọt là rất thấp. Từ đó việc thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất một vụ lúa-tôm càng xanh (
Macrobrachium rosenbergii ) và một vụ tôm sú (
Penaeus monodon ) quảng canh cải tiến tại hai huyện Cái Nước và Thới Bình, tỉnh Cà Mau
”. Nhằm mục tiêu là: Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm xen canh và luân canh các đối tượng có giá trị kinh tế khác nhau trên cùng diện tích đất canh tác nhằm đánh giá khả năng phù hợp, năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình.
Địa điểm thực hiện dự án là ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông và ấp 8, xã Thới Bình, huyện Thới Bình; ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Thời gian thực hiện dự án 9/2013 đến 9/2014, do KS Ngô Minh Lý làm chủ nhiệm – Phân viện NCTS Nam Sông Hậu làm chủ trì, Sở Khoa học & CN Cà Màu làm chủ quản.
Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nhằm giúp cho người dân: Một là chủ động giữ ngọt để tôm phát triển vì tôm càng xanh là đối tượng chịu ngọt, song song với đó là lúa cũng không bị nhiễm mặm quá sớm. Hai là hạn chế người dân thả tôm sú khi trồng lúa đây là kỹ thuật nhằm hạn chế tồn lưu mầm bệnh để duy trì mô hình tôm – lúa hiện hành của tỉnh Cà Mau và các tỉnh khác trong vùng.
Dự án sẽ ứng dụng kỹ thuật ương dưỡng tôm sú giống và tôm càng xanh giống một thời gian trước khi thả rộng ra vuông/ruộng nuôi QCCT nhằm nâng cao tỷ lệ sống tôm nuôi và tận dụng thời gian phối hợp giữa nuôi tôm sú, tôm càng xanh và trồng cây lúa. Sử dụng giống lúa cao sản, có khả năng chịu mặn, kháng trừ sâu bệnh, phẩm gạo tốt để trồng luân canh trên đất nuôi tôm. Đối với công nghệ canh tác lúa, dự án sử dụng phương pháp cấy. Phối hợp với hộ dân theo tiêu chí: có vốn đối ứng, nhiệt tình trong canh tác tôm lúa, trung thực, có lao động, có diện tích ao nuôi phù hợp, có trang thiết bị phục vụ sản xuất tương đối. Dự án chỉ hổ trợ 30% chi phí sản xuất cho 1 vụ tôm càng xanh, 1 vụ nuôi tôm sú và 1 vụ lúa còn vụ sau hộ dân tự đầu tư.
Sau hai năm thực hiện dự án bước đầu mang lại hiệu quả, năng suất bình quân cho 2 vụ nuôi: tôm CX 198,9 kg/ha; tôm sú 377,5 kg/ha; lúa 3,3 tấn/ha. Việc nuôi tôm càng xanh xen canh với trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm sú vào mua khô, góp phần tăng thu nhập cho người dân canh tác nông nghiệp: 31,407 triệu/ha so với 25 triệu/ha (tăng 25,6% so với nuôi truyền thống).
Thuận lợi
Người dân trong vùng đã nhìn thấy được lợi nhuận từ tôm càng xanh nuôi kết hợp với lúa, từ đó việc học hỏi thêm kinh nghiệm là rất cao, có 88/100 người mời tham dự hội thảo tổng kết dự án. Mô hình sản xuất luân canh một vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa và một vụ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến đạt năng suất cao theo hướng bền vững có nhu cầu rất lớn trong thực tiễn sản xuất và có tính khả thi cao cho nghề NTTS nói riêng, nghề canh tác nông nghiệp nói riêng.
Đây sẽ là hướng đi mới cho các hộ vùng tôm lúa, và một số cơ quan đã và đang nhân rộng mô hình như: Trung tâm giống nông nghiệp Cà Mau thực hiện dự án nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa với quy mô 100 ha tại 2 huyện Thới Bình và U Minh; Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời thực hiện dự án nuôi tôm càng xanh cho 4 xã của hai vùng: ngọt và lợ.
Khó khăn
Do lúc thu hoạch tôm càng là vào thời điểm người dân ở các huyện, tỉnh lân cận thu hoạch đồng loạt nên giá tôm thương phẩm thấp, và cở tôm thu hoạch nhỏ. Bên cạnh đó do đây là đối tượng mới phát triển nuôi những năm gần đây, tổng sản lượng cả vùng còn thấp nên bị thương lái ép giá. Do đó lợi nhuận bị giảm dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Đồng thời do vụ một thời gian thả giống nuôi trễ (cuối tháng 8 và đầu tháng 9) đã quá nữa mùa mưa (mùa mưa vào tháng 5-11) nên thời gian nuôi nằm vào những tháng nhiệt độ thấp và thời gian nuôi không đủ nên năng suất bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dự án nuôi tôm càng xanh thường tỷ lệ đực/cái là 50/50 nên kích cở thu hoạch bình quân nhỏ 40 con/kg. Việc lựa chọn được giống tốt cũng là một khâu quan trọng nhằm nâng cao năng suất tôm nuôi.
Ngoài ra vào thời điểm gần thu hoạch tôm sú có những cơn mưa trái mùa làm tôm bị tấp mé chết rải rác ở tất cả các hộ nuôi. Mặc dù đã có sử dụng vôi rải bờ trước mưa và sau khi mưa, nhưng không ngăn ngừa được vì lượng mưa quá lớn trong thới ngắn và nắng rắc trở lại.
Do trong quá trình cây lúa trổ bị mặn thấm dẫn đến lúa bị lép nhiều. Lúc độ mặn tăng cao 5-6 ‰ là thời điểm lúa làm đồng (đầu tháng 12), không chỉ các hộ trong dự án mà các hộ lân cận cũng bị xâm nhập mặn sâu đầu tháng 12 độ mặn tăng lên 6-7‰. Theo Nguyễn Công Thành (2014), lúa có thể chịu được độ mặn tới 4-6 ‰ trong giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, nếu độ mặn tăng đột ngột hoặc cao hơn 5 ‰ trong giai đoạn lúa đang trổ bông và ngậm sữa sẽ gây tỷ lệ hạt lép cao.
Đề xuất
Nếu có nuôi tôm càng xanh ở vùng này thì cần nên thả giống sơm hơn để tránh những tháng cuối độ mặn lên cao. Chú trọng phát triển tôm càng xanh toàn đực (tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cở thu hoạch bình quân lớn và giá cao hơn so với tôm càng xanh thường) từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nuôi tôm sú phải gièo tôm trước khi chuyển ra vuông nuôi QC, độ sâu ao nuôi phải đạt từ 1.2 – 1.4 m vì đây là lúc cao điểm mua khô vào (tháng 2-3). Nhằm giúp cho tôm nuôi có không gian hoạt động và giảm rui ro bị thiếu oxy cục bộ (0,4 – 0,5 m trên trảng).
Vụ nuôi tôm càng xanh nên thả trước tháng 8, nhằm kịp thời gian (6 tháng) đạt kích cở thương phẩm (10-15 con/kg) và có giá trị kinh tế.
Vụ trồng lúa nên lựa chọn những giống lúa có khả năng chịu măn cao, và những giống lúa ngắn ngày để tránh hiện tượng hạn mặn sớm.